Biểu trưng
Trường Đại học Xây dựng Miền Tây



CÔNG TY NHỰA BÌNH MINH

Đang online: 160

Số lượt truy cập: 17860593

Dạy chữ, dạy người, dạy nghề
 
DẠY CHỮ, DẠY NGƯỜI, DẠY NGHỀ

Trần Quang Nhật
(Giảng viên Khoa Kỹ thuật Hạ tầng - Đô thị)

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhiều năm qua, các hội nghị, hội thảo về đổi mới giáo dục đã cho thấy một khối lượng công việc hết sức to lớn, đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa, ưu tiên các vấn đề thực hiện để đạt mục tiêu cuối cùng là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Trong khối lượng công việc to lớn ấy, có một vấn đề rất cần được quan tâm và nhận thức đúng đó là quan niệm về "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề" trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

1. Đặt vấn đề

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế" và "phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân".

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, nhiều năm qua, các hội nghị, hội thảo về đổi mới giáo dục đã cho thấy một khối lượng công việc hết sức to lớn, đòi hỏi chúng ta phải chọn lựa, ưu tiên các vấn đề thực hiện để đạt mục tiêu cuối cùng là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Trong khối lượng công việc to lớn ấy, có một vấn đề rất cần được nhận thức đúng đó là quan niệm về "Dạy chữ, dạy người, dạy nghề" trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

Mới đây, tại Hội nghị Trung ương VIII (khóa XI), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết xác định: Mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực người học, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với quy luật phát triển khách quan, những tiến bộ khoa học và công nghệ.

Chuyển phát triển giáo dục từ chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang phát triển theo mục tiêu vừa đáp ứng yêu cầu số lượng, vừa chú trọng nâng cao chất lượng. Thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa và dân chủ hóa giáo dục. Chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu tính liên thông sang hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, bảo đảm liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập suốt đời.

Chúng ta đều thấy, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về giáo dục, tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phát triển. Mặt khác chương trình, giáo trình, sách giáo khoa giáo dục về cơ bản đã thể hiện được quan điểm, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước. 

Tuy nhiên chương trình và nội dung sách giáo khoa vẫn còn nặng về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học cũng như giáo dục kỹ năng sống và đạo đức học sinh, nhất là đối với
 học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn. Nói cách khác, giáo dục phổ thông hiện nay chưa đồng bộ dạy “chữ” với dạy “người” và dạy "nghề".

2. Thực trạng việc dạy chữ, dạy người, dạy nghề trong giáo dục hiện nay

Chúng ta đều thống nhất rằng, Giáo dục nhằm mục đích xây dựng nhân cách con người. Thực tế tại nhiều nhà trường, các em học sinh còn thiếu tự tin khi tiếp xúc với mọi người, nhất là người lạ; vì vậy cần giáo dục về hình thành nhân cách trước rồi mới đến hướng nghiệp, hướng nghề.

Đã có người nhận xét một cách hình ảnh rằng hệ thống giáo dục của chúng ta còn thiếu hơi thở của thời đại và thực tiễn, đó là những vấn đề của xu thế phát triển hiện nay, trong nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa và trong điều kiện Việt Nam hội nhập quốc tế thì chúng ta cảm thấy giáo dục của ta còn thiếu, còn nhiều bất cập chưa đáp ứng 
được. Thiếu thực tiễn của Việt Nam, của con người Việt Nam và văn hóa Việt Nam.

Đúng là hiện nay học sinh đang phải học quá nhiều chữ, do vậy thời gian để học làm người, chưa nói thời gian để học nghề, hướng nghiệp! Một thực tế là phần dạy chữ hiện nay còn thiên về lý thuyết, nặng nề nội dung và hình thức. Vì vậy, có người cho rằng, một số bộ môn hiện nay có bỏ đi 30% kiến thức cũng không ảnh hưởng gì. Trong chương trình hiện hành, có những phần kiến thức hoàn toàn không để làm gì, nhưng thầy vẫn phải dạy, trò vẫn phải học, vừa lãng phí thời gian, công sức, vừa chỉ mang tính hình thức.

Không những thế, chương trình-sách giáo khoa (CT-SGK) được biên soạn còn chưa cân đối giữa “dạy chữ” với “dạy người” và "dạy nghề", giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của một số môn học. Một số nội dung trong CT-SGK chưa thực sự cơ bản, khối lượng kiến thức nhiều, dẫn đến sự “quá tải”. Nhiều nội dung trong một số môn học yêu cầu cao hơn khả năng tiếp thu trung bình của học sinh, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở các địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn. Về phương thức dạy học, chương trình chưa phân phối hợp lý giữa thời gian học trên lớp với thời gian hoạt động ngoại khóa như tham quan thực tế, cũng như thời gian tự học.

Môn Giáo dục công dân (GDCD) trong nhà trường hiện nay phải gánh một trọng trách rất nặng là “dạy người” đó là giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, ý thức công dân... Không chỉ riêng nội dung chính thức mà nhiều nội dung giáo dục khác nhau cũng "bị giao" cho môn GDCD để “tích hợp”, trong khi lại có quá nhiều bất cập như quan niệm coi nhẹ môn học này của cả thầy và trò, sự ít quan tâm của nhà quản lý, đội ngũ giáo viên chuyên trách thiếu, thời lượng môn học và sự đầu tư thiết bị dạy học cho bộ môn này quá ít... Chúng ta đều biết rằng, không có quy định chính thức nào nói môn này là môn chính, môn kia là môn phụ! Môn GDCD bị coi là "môn phụ" vì không thi tốt nghiệp, không thi đại học; nhưng có một lý do khác để GDCD chịu cảnh “môn phụ” vì chính nội dung dạy học khô cứng, không thiết thực; cái không thiết thực và sự thiếu hấp dẫn thì tất nhiên sẽ khiến thầy và trò đều chán nản, chỉ dạy và học qua quýt, đối phó. Gần đây, dư luận xã hội lên tiếng chê nhiều về Giáo dục khi chỉ lo “dạy chữ” và các nhà trường đã đẩy nhiệm vụ “dạy người” cho môn GDCD; nhưng môn GDCD gần như chưa khẳng định được vị trí của mình trong việc dạy người. Lớp 10 học về thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng,... Đến lớp 12 thì học về tiền tệ, thị trường, lưu thông hàng hóa ...Với vai trò quan trọng và cần thiết là “dạy người” nhưng nội dung, phương pháp, giáo viên ... không được đầu tư; thế nên chuyện “dạy người” vẫn còn bất cập trong Giáo dục phổ thông hiện nay.

3. Một số đề xuất

3.1 Trước hết chúng ta cần phải nắm rõ các khái niệm liên quan

Hơn 30 năm trở lại đây, ngành giáo dục cũng chịu những tác động, những mặt trái của cơ chế thị trường, làm ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và thầy, cô giáo. Chúng ta cùng nghe lại lời tâm sự của Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình: “Tiến hành khảo sát 950 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở 36 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại 5 tỉnh thành cho thấy gần 60% giáo viên phổ thông thẳng thắn bày tỏ nếu được chọn lại nghề thì sẽ không làm nghề dạy học”. Lý do là chưa có cơ chế và chính sách khuyến khích trong thi cử, tuyển dụng, đãi ngộ… Một số bộ phận giáo viên lại sa sút về phẩm chất, sử dụng kiến thức vào phụ đạo, dạy thêm để tăng thu nhập, làm ảnh hưởng đến năng lực và đạo đức của những người làm công tác quản lý giáo dục và thầy, cô giáo.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn của ngành giáo dục là thiếu thốn cơ sở vật chất, đội ngũ thầy cô giáo thiếu về số lượng và chưa đồng bộ về chất lượng lại phát triển không theo kịp với yêu cầu tăng lên hằng năm của học sinh. 

Để có cơ sở xác định rõ hơn về mối tương quan giữa “dạy chữ” với “dạy người” và "dạy nghề", giữa lý thuyết và thực hành, giữa dung lượng kiến thức, kỹ năng và thời lượng thực hiện của môn học, trước hết chúng ta cần hiểu về các khái niệm này. 

Khái niệm về "Dạy chữ" được hiểu một cách ngắn gọn, cô đọng: Dạy chữ là trang bị kiến thức cho người học. 

Khái niệm về "Dạy người" có thể được hiểu là không chỉ giới hạn trong phạm vi giáo dục đạo đức, lối sống mà còn bao hàm cả trang bị kỹ năng sống, hiểu biết về khoa học xã hội để từ đó hình thành, rèn luyện và phát triển nhân cách cho học sinh. 

Khái niệm về "Dạy nghề" được hiểu như Luật Dạy nghề đã định nghĩa: "Dạy nghề là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học nghề để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khoá học". Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. Dạy nghề có thể là những hoạt động dạy và học tại nơi làm việc, các cơ sở dạy nghề, trung tâm đào tạo, các lớp học không chính quy nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học nghề để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khoá học.

3.2 Để thực hiện sự hài hòa giữa “dạy chữ” với “dạy người” và "dạy nghề" đối với giáo dục phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VIII (khóa XI) . 

Trước hết chúng ta phải xác định những nhân tố tác động và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa “dạy chữ” và “dạy nghề” có nhiều nhân tố trong phạm vi bài này, tôi xin được tập trung vào đội ngũ giáo viên, vào chương trình đào tạo và vào sách giáo khoa của hệ thống giáo dục phổ thông, xem đó là những nhân tố đầu tiên.

Trước hết phải bắt đầu từ thầy giáo, cô giáo

Ở Việt Nam, qua hàng ngàn năm cha ông ta đã tổng kết: “Thầy nào, trò nấy”. Từ xa xưa các bậc cha mẹ tìm thầy dạy cho con hết sức kỹ lưỡng, đòi hỏi “thầy đồ” phải có nhân cách, có văn hay chữ tốt, có tấm lòng, biết lấy sự thành đạt của học trò làm vinh dự nghề nghiệp của mình.

Sau Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhân dân ta đã thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”. Đảng và Chính phủ đã tập trung đào tạo những người thầy giáo, cô giáo giỏi, thông qua các trường sư phạm trong nước và cử đi học ở nước ngoài. Vào thời điểm đó các trường sư phạm còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện, tài liệu giảng dạy, học hành trong điều kiện chiến tranh, song các trường sư phạm đã sản sinh ra những thầy giáo, cô giáo “vừa hồng, vừa chuyên”, có phẩm chất và năng lực, luôn luôn tìm tòi, học tập, không ngừng nâng cao trình độ, say sưa với nghề, tận tâm dạy để truyền thụ kiến thức khoa học và lòng yêu Tổ quốc, yêu dân tộc cho hàng vạn học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, hàng triệu học sinh các trường phổ thông ở miền Bắc và vùng giải phóng ở miền Nam. Hầu hết các học sinh đã trở thành những cán bộ tốt, phục vụ cho chiến trường và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong số đó có nhiều người trở thành anh hùng quân đội, anh hùng lao động, những tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng…

Để có những thầy giáo, cô giáo “vừa hồng, vừa chuyên”, ít nhất chúng ta phải thực hiện đồng bộ một số vấn đề chủ yếu sau đây:

Một là, đổi mới hệ thống các trường sư phạm trong cả nước, tập trung đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng sư phạm trọng điểm bao gồm quy hoạch lại mạng lưới hợp lý, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên giỏi, đây chính là nơi đào tạo nguồn giáo viên vừa hồng vừa chuyên cung cấp cho hệ giáo dục phổ thông trong cả nước.

Hai là, có cơ chế chính sách trong việc tuyển chọn học sinh giỏi vào học ở các trường sư phạm và chính sách sử dụng đãi ngộ sau khi tốt nghiệp ra trường để họ an tâm công tác, sẵn sàng đi làm nhiệm vụ “trồng người” ở các vùng Tổ quốc. Cụ thể là có chính sách lương bổng, điều kiện ăn ở làm việc, quy định thời gian công tác tại các tỉnh miền núi, hải đảo, các trường nội trú, bán trú… ở các địa phương khó khăn (tương tự như việc thực hiện nghĩa vụ quân sự!), sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được ưu tiên chọn lựa nơi công tác hợp với nguyện vọng của mình và được đào tạo lại để có trình độ và vị trí công tác cao hơn.

Ba là, thầy cô giáo phải thực sự là tấm gương về năng lực và đạo đức để học sinh noi theo, đòi hỏi thầy cô giáo phải cập nhật kiến thức để truyền đạt cho học sinh, tự rèn luyện về phẩm chất, luôn gương mẫu và tâm huyết với nghề nghiệp. Chúng ta biết, đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở, mỗi ngày học sinh có đến gần 10 giờ ở trường (học bán trú 2 buổi/ngày; vì vậy thầy cô giáo phải là biểu tượng, là gương sáng để học sinh noi theo. Cũng có một thực tế, các cán bộ quản lý của ngành giáo dục làm hết trách nhiệm là nhà sư phạm. 

Chúng ta hy vọng rằng tính “công chức giáo dục” sẽ bớt đi, tính “sư phạm” sẽ tăng lên ở những nhà quản lý, hoạch định chính sách cho giáo dục để dù cho chưa thể có được những đổi mới to lớn thì cũng có những đổi mới nhỏ thôi nhưng là sự đổi mới thực sự, giúp cho giáo dục thoát khỏi tình trạng dậm chân tại chỗ như hiện nay. 

Học để làm gì, học cái gì và học như thế nào? Trả lời câu hỏi này để chúng ta định hướng đổi mới CT-SGK

Với những khó khăn và tồn tại như đã nêu ở trên, CT-SGK mới cần được biên soạn trên cơ sở kế thừa và phát triển các thành quả về phát triển CT-SGK của nước ta trong những giai đoạn vừa qua, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. CT-SGK mới cần phải bám sát điều kiện thực tiễn của đất nước, một mặt bảo đảm thống nhất toàn quốc về mục tiêu, nội dung cốt lõi và mức độ yêu cầu tối thiểu, mặt khác phải phù hợp với năng lực tiếp thu trung bình của học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số và học sinh ở các địa bàn KT-XH khó khăn, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn dạy bổ sung, nâng cao những kiến thức cần thiết phù hợp đối với các đối tượng học sinh khác nhau.

Đúng là phải thay đổi, ai cũng nói phải đổi mới nhưng bắt đầu từ đâu và bằng cách nào thì vẫn là vấn đề bức xúc. Ý kiến của chúng tôi xin được nêu lên là:

Hiện nay, chúng ta đang học để thi, nên thi gì học nấy và học gạo, học thêm tràn lan. Quan trọng nhất của việc xây dựng CT-SGK mới là phải trả lời thấu đáo câu hỏi học để làm gì. Với cấp tiểu học, câu trả lời đơn giản là học để lên cấp THCS vì, đây thuộc bậc học phổ cập. Với cấp THCS, câu trả lời là để học tiếp lên THPT và học nghề. Với cấp THPT, học để có thể học tiếp bậc đại học, hoặc có thể học luôn nghề kỹ thuật, hoặc nghề giản đơn. Và chương trình phải thiết kế cho phù hợp với mục tiêu ấy.

Cái phải thay đổi là xác định trong chương trình, tỷ lệ phần trăm trong dạy chữ, dạy người, dạy nghề. Cần phải quyết định điều này bởi dạy người rất khó và mất nhiều thời gian. Hãy giảm bớt thời lượng kiến thức khoa học và thêm vào chương trình giáo dục ở bậc học dưới, cấp học dưới những bài học về văn hóa truyền thống, dạy học sinh những bài học về tâm hồn Việt Nam, về nhân cách, những kỹ năng ứng xử cần thiết trong một xã hội mới.

Đã có nhiều nhà khoa học đề nghị Chương trình bậc học phổ thông nên tiếp tục vẫn giữ là 12 năm với điều kiện thực hiện năm dạy: “Dạy chữ”, “Dạy người”, “Dạy nghề”, “Dạy ngoại ngữ” và “Dạy tin học”. Chúng tôi đề nghị vẫn rất coi trọng dạy ngoại ngữ và dạy tin học, nhưng lồng ghép dạy ngoại ngữ vào "Dạy chữ" và dạy tin học vào "Dạy nghề" nhưng với tỷ trọng ưu tiên. Như vậy là chúng ta cần thực hiện tốt ba dạy: “Dạy chữ”, “Dạy người” và “Dạy nghề”. Có như vậy, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em có được một nghề để bước vào cuộc sống tự lập; đối với các em vào đại học, có thể nghe thầy giảng bài một số môn học bằng tiếng Anh. Làm được điều đó chắc chắn ngành giáo dục nước ta sẽ hội nhập với khu vực và thế giới, đồng thời các em có chỗ đứng vững chắc trong xã hội để tiếp tục vươn lên.

Chúng ta đều biết rằng, mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, điểm yếu. Nghệ thuật làm cha, làm mẹ, làm thầy, làm cô là phải biết cách khuyến khích, khen ngợi nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, của học trò mình; mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của nó. Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta. 

Sau đó là dạy như thế nào? Nếu đặt mục tiêu của môn học GDCD là “dạy người”, trang bị cho học sinh những hiểu biết, kỹ năng để trở thành một công dân thì nên cụ thể hóa mục tiêu đó. Môn GDCD cần bỏ những nội dung hàn lâm, xa vời, khó hiểu. Cách dạy không phải là truyền lại, đọc lại những bài học lý thuyết mà chủ yếu thông qua hoạt động, thông qua việc tổ chức thảo luận, diễn đàn, những trải nghiệm để dạy cho học sinh những tri thức, kỹ năng cơ bản nhất, cần thiết, gần gũi nhất. Chẳng hạn như dạy học sinh biết lao động, nhất là những lao động giản đơn, tự phục vụ bản thân; dạy cách ứng xử đối với người thân, ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, thầy cô, bạn bè và trong cộng đồng nói chung; dạy ý thức chia sẻ trước những biến cố xảy ra trong cộng đồng sống xung quanh; dạy đối diện với những vấn đề lứa tuổi đang gặp phải như chọn nghề, chọn bạn, vấn đề giới tính, cách vượt qua những cú sốc về tinh thần...

Ví dụ, để học sinh thấu hiểu và biết giá trị của việc sẻ chia với cộng đồng trong hoạn nạn, hãy để các em tham gia những hoạt động hữu ích, giúp đỡ người nghèo, người ở vùng xảy ra thiên tai, bão lũ; Muốn các em biết giá trị của lao động thì hãy để các em đi thực tế trong cơ sở sản xuất, khuyến khích các em tự tạo nên sản phẩm..
.

Để tăng cường “dạy người” trong trường học, chúng ta cũng cần trao đổi với các bậc cha mẹ học sinh là đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái, đừng quá thương con đến mức không để chúng đụng chân, đụng tay làm bất cứ việc gì, dành toàn bộ thời gian cho chúng dùi mài kinh sử; hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với thế giới thật có xung quanh, để chúng đừng đắm chìm và chạy theo thế giới ảo trên mạng, không để và không cho học thêm một cách vô tội vạ.

Chúng ta đề cao việc đào tạo toàn diện. Nhưng cha ông ta từ xa xưa đã nói nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, nên việc bắt các em học dàn đều rồi mỗi thứ biết một chút nhưng thực ra không nắm được gì cả thì hiệu quả thu được sẽ chỉ là con số không. Cần thực hiện việc phân hóa các môn học theo hướng tích hợp và tự chọn một số môn học tùy theo từng cấp học. Với cách học đó, học sinh trung học đều không bị quá tải, vì được học sâu những môn ưa thích, tự chọn và không phải học quá kỹ nhiều thứ mà sau này chẳng bao giờ cần đến.

Đó mới là cách thực tế và hiệu quả giảm tải ở các cấp học phổ thông để giải quyết mâu thuẫn vừa giảm tải vừa không ảnh hưởng đến chất lượng. Hơn nữa với những môn học hợp với xu hướng sở thích, học sinh có cơ hội được học đủ sâu để sau khi tốt nghiệp, có đủ hiểu biết tìm được việc làm và nếu xuất sắc thì khi học tiếp lên ĐH hay CĐ có thể học vượt lớp, tiết kiệm thời gian. Như vậy sẽ tránh được lãng phí cho cả xã hội, cho mỗi gia đình, cho từng cá nhân học sinh, bởi lẽ từ 15-18 là "độ tuổi vàng", nhiệm vụ của nhà trường là tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển đến mức tối đa của mình, chứ không phải chỉ nhằm bảo đảm cho mọi cá nhân một mức tối thiểu đồng loạt như cách dạy hiện nay ở giáo dục phổ thông. 

Câu chuyện vui về em bé ở nhà học bài luôn miệng ê a “rắn là loài bò, là loài bò sát…sát không chân, sát không chân” lâu nay vẫn được xem là một ví dụ điển hình cho cách học bị động, học vẹt, cách dạy giáo điều, một chiều.

Tóm lại, những vấn đề trên chỉ ra rằng: Dạy chữ, học chữ phải nằm trong mối quan hệ tương tác với dạy người và dạy nghề thì mới phát huy được hiệu quả, mới nâng cao được chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Nếu nhà trường chỉ chăm lo dạy chữ bỏ quên dạy người và dạy nghề thì bản thân việc dạy chữ có cố gắng đến đâu cũng không thể thành công cho dù là thành công với mục tiêu riêng của chính bản thân việc dạy chữ đơn thuần.

Với những phân tích như trên, chúng ta tin rằng nếu quyết tâm đổi mới một cách đồng bộ, thực chất, chắc chắn chất lượng dạy và học sẽ có những thay đổi căn bản theo hướng một nền giáo dục thực chất, khoa học và hiện đại. Chúng tôi trong việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VIII (khóa XI) của Đảng, sẽ sớm khắc phục tình trạng mất cân đối giữa "dạy chữ, dạy người và dạy nghề".
 

   ĐÀO TẠO  ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC  SINH VIÊN  TUYỂN SINH  
   Lịch sử phát triển  Phòng Quản lý đào tạo  Tân sinh viên  Đại học chính quy  
   Ngành đào tạo  Phòng Tổ chức - Hành chính  Học bổng  Liên thông VLVH  
   Chuẩn đầu ra  Phòng Quản trị và Thiết bị  Hoạt động phong trào  Sau đại học  
   Tra cứu văn bằng  Phòng Tài chính - Kế toán  Cổng thông tin tín chỉ  Đào tạo ngắn hạn và Cao đẳng  
 
 Phòng Công tác Chính trị sinh viên
 Thư viện ảnh  Nghiệp vụ xây dựng  
     Viện Khoa học và Hợp tác quốc tế  Thông tin việc làm     
     Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng  Bài hát MTU  
 
     Khoa Xây dựng  Biểu trưng MTU (logo)  Tư vấn tuyển sinh  
     Khoa Kiến trúc    Hotline: (0270) 3 825 903  
     Khoa Kỹ thuật Hạ tầng đô thị    Email: tuyensinh@mtu.edu.vn  
     Khoa Kinh tế      
     Khoa Công nghệ      
     Khoa Khoa học Cơ bản  
 
     Khoa Lý luận chính trị    
     Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học  

     Trung tâm Thông tin - Thư viện      
     Trung tâm Tư vấn xây dựng    
 
     Trung tâm Thí nghiệm Xây dựng và Môi trường    
 
     Trung tâm Đào tạo Thường xuyên      
     Tạp chí Khoa học và Công nghệ      
           

Copyright © 2013 Trường Đại học Xây dựng Miền Tây - Số 20B Phó Cơ Điều, Phường 3, Tp. Vĩnh Long, Tỉnh Vĩnh Long
Tel: (0270) 3 823 657 - Fax: (0270) 3827457
Email: banbientap@mtu.edu.vn