Biểu trưng
Trường Đại học Xây dựng Miền Tây
CÔNG TY NHỰA BÌNH MINH
Đang online:
1058
Số lượt truy cập:
17478347
|
Chuyên đề: Đánh giá thực trạng và giải pháp giảm thiểu suy thoái nguồn nước ở Việt Nam
Chuyên đề: Đánh giá thực trạng và giải pháp giảm thiểu suy thoái nguồn nước ở Việt Nam
08:38 - 24/04/2016
CHUYÊN ĐỀ:
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU
SUY THOÁI NGUỒN NƯỚC Ở VIỆT NAM
TRẦN THANH THẢO: TRƯỞNG KHOA KT HT-ĐT
Nước là tài nguyên, là tư liệu thiết yếu cho cuộc sống con người. Không có nước không có sự sống. Chúng ta cần nước sạch cho sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe và vệ sinh. Nước cần cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Nước còn cần cho phát triển thủy điện và giao thông thủy.
Nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự trong lành và bền vững của môi trường, duy trì mối quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước có chung nguồn nước liên quốc gia. Nước là tài nguyên quý giá, có hạn và dễ bị ô nhiễm.
Bên cạnh những mặt lợi, nước cũng có thể gây ra tai họa cho người và môi trường. Trong những thập niên qua việc khai thác tài nguyên nước và công tác phòng, chống tác hại do nước gây ra đã có những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài việc nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của nước đối với đời sống, sức khỏe và sự phát triển bền vững của đất nước, chưa chú trọng quản lý và bảo vệ tài nguyên nước dẫn đến tài nguyên nước ở nước ra đã có những biểu hiện suy thoái cả về số lượng lẫn chất lượng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước, khan hiếm nước đã xuất hiện ở nhiều nơi và đang có xu hướng gia tăng; tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, thiếu quy hoạch, thiếu tính liên ngành còn khá phổ biến.
Tình hình đó đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ để phát triển bền vững tài nguyên nước và phòng, chống có hiệu quả các tác hại do nước gây ra. Vì vậy, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm và chống suy thoái tài nguyên nước có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ nguồn nước quốc gia.
Do vậy, sự suy thoái, cạn kiệt nguồn nước là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của nguồn nước. Như vậy, có thể hiểu, bảo vệ tài nguyên nước chính là biện pháp phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, đảm bảo an toàn nguồn nước và bảo vệ khả năng phát triển tài nguyên nước.
NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ
I. Thực trạng ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước:
1. Thực trạng về sự ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước ở Việt Nam
Tài nguyên nước trên thế giới theo tính toán hiện nay là 1,39 tỷ km3. Việt Nam là một trong những nước có nguồn tài nguyên nước phong phú, dồi dào nhưng hiện nay, tài nguyên nước ở nước ta đang trong tình trạng suy thoái cả về số lượng và chất lượng.
Về số lượng, Việt Nam hiện nay đang lâm vào tình trạng thiếu nước do tài nguyên nước của Việt Nam phân bố không đều theo thời gian trong năm và giữa các năm. Cùng với sự phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước cũng là một phần nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt nguồn nước.
Về chất lượng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng tăng cả về mức độ và quy mô. Nguồn nước dưới đất ở nhiều đô thị, một số khu vực đồng bằng đã có biểu hiện ô nhiễm do các chất hưu cơ khó phân hủy và hàm lượng vi khuẩn cao. Các biểu hiện suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất đang ngày càng trở nên rõ rệt và phổ biến ở nước ta.
Các chuyên gia còn phân tích, trong khu vực nội thành của các thành phố lớn, hệ thống các hồ, ao, kênh, rạch và các sông nhỏ chính là nơi tiếp nhận và vận chuyển nước thải của các khu công nghiệp, dân cư. Hệ thống này hiện nay đang ô nhiễm nghiêm trọng vượt quá mức tiêu chuẩn 5-10 lần, các hồ trong nội thành phần lớn ở trạng thái phú dưỡng, nhiều hồ bị phú dưỡng hóa đột biến và tái nhiễm bẩn hữu cơ.
2. Nguyên nhân của sự ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước ở Việt Nam
Trước yêu cầu sử dụng nước còn tiếp tục gia tăng trong khi tài nguyên nước thì ngày càng bị suy thoái nên cần phân tích rõ các nguyên nhân suy thoái, đặc biệt là các nguyên nhân về quản lý để có được các giải pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu sự suy thoái đang phát triển nghiêm trọng này. Có 5 nguyên nhân chính dẫn đến việc ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước ở Việt Nam:
- Do gia tăng nhanh về dân số. Sự gia tăng dân số sẽ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nước sạch trong ăn uống và lượng nước cần dùng cho sản xuất. Đồng thời, tác động của con người với môi trường tự nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng cũng ngày càng mạnh mẽ, có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng.
- Do việc khai thác quá mức tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan đến nước như đất, rừng khiến tài nguyên nước bị suy kiệt.
- Do chưa kiểm soát được các nguồn thải và chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho các hệ thống thu gom, xử lý các chất thải lỏng, thải rắn.
- Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, khí hậu toàn cầu đang nóng lên đã và sẽ gây tác động nhiều đến tài nguyên nước: làm giảm tổng lượng dòng chảy, làm băng tan khiến cho nước biển dâng cao, mặn sẽ xâm nhập sâu hơn ở những vùng đồng bằng thấp khiến nguồn nước ngọt phân bổ trên các sông chảy ra biển sẽ bị đẩy lùi dần. Tất cả những điều này sẽ làm suy thoái thêm nguồn nước, khiến không còn đủ nguồn nước ngọt để phục vụ sản xuất đời sống.
- Do những nguyên nhân về quản lý: Trên thế giới khi đánh giá về nguyên nhân suy thoái tài nguyên nước đã nhận định là quản lý có vai trò chi phối và có tác động rất lớn. Ở Việt Nam, tuy mới công nghiệp hóa và mở rộng các đô thị nhưng ô nhiễm nước và suy thoái nước đã phát triển rất nhanh, thậm chí đến mức báo động cũng là do chúng ta còn những tồn tại lớn trong quản lý về mặt tổ chức, về quy hoạch, chính sách...
II. Đánh giá thực trạng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước ở Việt Nam
1. Thực trạng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước
Nhìn chung, Bộ tài nguyên và môi trường, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan đã xây dựng được nhiều văn bản pháp luật quy định về kiểm soát ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước.
Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật tài nguyên nước để quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và góp phần làm giảm thiểu thách thức do tài nguyên nước gây ra. Đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong các văn bản quy định về kiểm soát ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước.
Trong văn bản này đã có một số quy định cụ thể về bảo vệ tài nguyên nước (chương II Luật tài nguyên nước 2012) và các quy định về quản lý Nhà nước về tài nguyên nước (chương VII Luật tài nguyên nước 2012).
Ngoài ra, còn có các quy định trong Luật bảo vệ môi trường (2015) . Tiêu chuẩn Vệ sinh nước ăn uống (2009), Tiêu chuẩn nước sạch(2009). Bên cạnh đó, còn có một số tiêu chuẩn ngành quy định đối với một số chỉ tiêu chất lượng nước ăn uống bề mặt, nước thải …như tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng , Bộ Khoa Học và Công nghệ.
2. Đánh giá
a. Ưu điểm:
Trong những năm qua hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước ngày càng được bổ sung và hoàn thiện, đã phát huy vai trò tích cực trong việc huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội và bảo vệ tài nguyên nước.
Thứ nhất: Hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc tạo lập một khung pháp lý khả thi nhằm quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên nước. Với việc ban hành Luật Tài nguyên nước đã từng bước đưa công tác quản lý và sử dụng nước ở nước ta đi dần vảo nề nếp; nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm nước đi đôi với bảo vệ chống gây ô nhiễm, nhiễm bẩn và làm cạn kiệt nguồn nước.
Thứ hai: Pháp luật vể bảo vệ tài nguyên nước ra đời cùng với các văn bản pháp luật khác về bảo vệ đất, tài nguyên rừng; bảo vệ khoáng sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản... đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta trong điều kiện kinh tế thị trường. Điều này khẳng định Đảng và Nhà nước ta không chỉ quan tâm đến việc đầy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của người dân mà còn rất chú trọng việc khai thác hợp lý và bảo vệ bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo cho con người quyền được sống trong môi trường trong lành.
Thứ ba: Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển họp tại Rio Janeiro (Braxin) năm 1992: “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước dựa trên nhận thức nước là bộ phận nội tại của hệ sinh thái, một nguồn tài nguyên thiên nhiên, và một loại hàng hóa kinh tế và xã hội, mà số lượng và chất lượng quyết định bản chất của việc sử dụng. Vì mục đích này, tài nguyên nước cần phải được bảo vệ, có tính đến chức năng của các hệ sinh thái nước và tính tồn tại mãi mãi của tài nguyên, để có thể thỏa mãn và dung hòa các nhu cầu về nước cho các hoạt động của con người”.
Thứ tư, pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước đã thể hiện sâu sắc quan điểm bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra phải tuân theo quy hoạch lưu vực sông, bảo đảm tính hệ thống của lưu vực, không chia cắt theo địa giới hành chính.
Quản lý tổng hợp theo lưu vực sông được xác định là một quá trình quy hoạch, xây dựng và thực hiện việc khai thác các dạng tài nguyên trong một lưu vực, xem xét toàn diện và đầy các nhân tố có liên quan tới xã hội, kinh tế, môi trường trong mối tương tác về không gian (giữa các bộ phận trong lưu vực: thượng lưu, trung lưu và hạ lưu), tương tác giữa các nhân tố (chống xói mòn, rửa trôi, làm thoái hóa đất, giảm sức sinh sản của rừng và đất nông nghiệp, ngăn chặn bồi lắng và nhiễm bẩn nước, hạn chế lũ, bùn, đá...)
Thứ năm, pháp luật về bảo vệ Tài nguyên nước đã đề cập vấn đề quan hệ quốc tế về tài nguyên nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với nước ta nhằm tranh thủ hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng quốc tế nói chung và sự phối hợp của các nước có chung nguồn nước nói riêng trong việc khai thác và sử dụng hợp lý và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước.
Thứ sáu, nước ta đã xây dựng một chiến lược quốc gia dài hạn và một kế hoạch hành động quốc gia về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước nhằm phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
b) Nhược điểm
Hiện nay tuy đã có rất nhiều văn bản pháp luật quy định về kiểm soát ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước nhưng luật pháp và các quy định liên quan tới nguồn tài nguyên nữa vẫn còn được soạn thảo một cách riêng rẽ. Hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước chưa hoàn chỉnh.
Luật Tài nguyên nước được ban hành năm 2012 nên một số quy định của nó không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Vì vậy, cần sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Tài nguyên nước cho phù hợp với yêu cầu thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về Tài nguyên nước được giao.
Việc thi hành một số Nghị định của ta đang đứng trước khó khăn: Nghị định phí nước thải: có thể chưa lường trước được hậu quả của tình hình ô nhiễm sẽ mở rộng nhanh và hậu quả ngày càng trầm trọng và sợ dân ta còn nghèo nên chưa mạnh dạn tiếp cận với quan điểm của thế giới về phí nước thải.
Trước đây, Bộ Xây dựng chỉ đưa vào giá nước mức phụ thu là 10% để phục vụ cho việc nạo vét của việc thoát nước. Khi xây dựng chính sách phí nước thải sinh hoạt, Bộ tài nguyên và môi trường cũng đưa vào một tỉ lệ rất thấp: Nghị định 80/2014/NĐ-CP về phí nước thải chỉ quy định thu phí nước thải với mức 10% của giá cấp nước, trong khi thế giới thu bằng và lớn hơn cả giá cấp nước, như Mỹ thu bằng 135% giá cấp nước, Pháp thu bằng giá cấp nước.
Nếu tình trạng thu phí nước thải thấp như thế này thì không thể tạo ra nguồn tài chính để xử lý nước thải sinh hoạt trong khi ngân sách nhà nước của ta lại không thể có đủ để đầu tư cho xây dựng và vận hành cách trạm xử lý nước thải. Điều này sẽ khiến nguồn nước ngày càng trở nên suy thoái.
Bên cạnh đó, cần phải kể đến những nhược điểm là: cơ cấu tổ chức của bộ máy tài nguyên nước chưa được hoàn thiện, mạng lưới điều tra cơ bản về tài nguyên nước và môi trường chưa được hoàn chỉnh, chưa thiết lập được đầy đủ cơ sở dữ liệu, tài liệu cơ bản về tài nguyên nước, về sử dụng và ô nhiễm để phục vụ cho hoạt động lập pháp nhằm quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên này.
Hiện nay, chúng ta vẫn thực sự thiếu nhiều cán bộ để thực hiện nhiệm vụ quản lý và chống suy thoái tài nguyên nước. Và việc quản lý chưa được gắn bó cũng gây ra lãng phí cho ngân sách nhà nước.
Chính sách về tài nguyên nước chưa đầy đủ trong khi quản lý tài nguyên nước là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi cần có sự phối kết hợp thực hiện hiệu quả giữa các ngành, các cấp và toàn thể xã hội.
III. Đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật về việc kiểm soát ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước tại Việt Nam
Qua nhiều năm thực hiện Luật Tài nguyên nước, công tác quản lý tài nguyên nước đã dần đi vào cuộc sống, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp phát triển KT-XH, đời sống dân sinh của đất nước. Tuy nhiên thực trạng quản lý tài nguyên nước ở các địa phương còn rất nhiều vấn đề bất cập; đặc biệt trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, bên cạnh đó là sự thiếu ý thức của các cá nhân cũng như tổ chức có liên quan.
1. Về phía các cơ quan nhà nước:
Ưu điểm:
- Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng, hiện trạng sử dụng và định hướng khai thác, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh;
- Lồng ghép thực hiện các Chương trình có liên quan ngay từ khi lập kế hoạch để khai thác có hiệu quả nguồn nước, một số tỉnh đã kết hợp xây dựng các công trình thủy lợi với cấp nước sinh hoạt.
- Tăng cường phát triển xây dựng các hệ thống cấp nước tập trung, giảm bớt việc khoan giếng nhỏ lẻ. Tốc độ tăng trưởng của các công trình cấp nước tập trung đã tăng lên đáng kể và đã đáp ứng được nhu cầu cấp nước cho khoảng 10% dân cư nông thôn, cao gấp 5 lần so với 2% năm 1998.
- Ban hành quy định về khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và tăng cường quản lý việc khai thác nước ngầm.
- Nghiên cứu và khuyến khích sử dụng phân vi sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, phát triển mạnh các loại hình hố xí sinh thái, hố xí tự hoại để hạn chế ô nhiễm môi trường và chống ô nhiễm nguồn nước.
Hạn chế:
- Sự phối hợp, lồng ghép giữa các cơ quan còn nhiều hạn chế. Giữa các Bộ, Ngành, Đoàn thể quần chúng chưa có sự phối hợp tổ chức thực hiện chặt chẽ. Ở một số tỉnh ch¬ưa phân định cụ thể nhiệm vụ của Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư¬¬, Sở Tài nguyên và Môi trư¬ờng trong quá trình theo dõi thực hiện cũng như áp dụng pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường. Cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm rõ ràng.
- Các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước còn thiếu (chẳng hạn như chưa có các quy định và quy trình kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước).
- Chưa có chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo lưu vực và các vùng lãnh thổ lớn. Chưa có các quy định hợp lý trong việc đóng góp tài chính để quản lý và bảo vệ môi trường nước, gây nên tình trạng thiếu hụt tài chính, thu không đủ chi cho bảo vệ môi trường nước. Ngân sách đầu tư cho bảo vệ môi trường nước còn rất thấp
- Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường nước còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng (Hiện nay ở Việt Nam trung bình có khoảng 3 cán bộ quản lý môi trường/1 triệu dân, trong khi đó ở một số nước ASEAN trung bình là 70 người/1 triệu dân)...
- Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước chưa sâu sắc và đầy đủ; chưa thấy rõ ô nhiễm môi trường nước là loại ô nhiễm gây nguy hiểm trực tiếp, hàng ngày và khó khắc phục đối với đời sống con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.
2. Về phía các tổ chức, cá nhân
a) Ưu điểm:
- Có chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân và cộng đồng xã hội về nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Người dân đã quan tâm, chú ý đến việc bảo vệ môi trường nước ở nơi sinh sống, trong việc tổ chức cuộc sống gia đình hằng ngày và những hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là những vùng dân cư có đông đồng bào là tín đồ các tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số.
- Người dân đã tích cực, chủ động trong việc tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như xây dựng các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nước ; xây dựng ý thức trách nhiệm, tự giác trong bảo vệ môi trường và sống thân thiện, hài hoà với môi trường; sử dụng tiết kiệm ngườn nước và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước ở cộng đồng dân cư.
b) Hạn chế:
- Có hiện tượng các tổ chức cá nhân hành nghề khoan thăm dò nước, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xả nước thải vào nguồn nước. Vì vậy tình trạng khoan khai thác nước tùy tiện, xả nước thải vào nguồn nước, môi trường bừa bãi đã gây nên hậu quả sụt lún đất, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tầng chứa nước ngầm ngày càng gia tăng.
- Qua kết quả thanh, kiểm tra công tác BVMT tại các địa phương trong thời gian qua cho thấy, việc xây dựng các công trình xử lý và BVMT đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn nên hầu hết các doanh nghiệp chưa muốn đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường; Bên cạnh đó, khung pháp lý cho việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra vẫn còn thiếu và chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp phải thực thi công tác BVMT.
IV. Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước:
Trên cơ sở phân tích, đánh giá hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, muốn hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước thì cần phải thực hiện một số biện pháp sau đây:
- Nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước 2012 nhằm quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý các nguồn nước. Cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên nước, trong đó tập trung vào việc sửa đổi Luật tài nguyên nước.
- Triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, tăng cường đầu tư thực hiện các dự án điều tra cơ bản, nắm chắc nguồn nước, kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về tài nguyên nước, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, xử lý triệt để các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước.
- Phải thường xuyên quản lý chặt chẽ việc khoan thăm dò, khai thác sử dụng nước dưới đất; tuyên truyền sâu rộng pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ nguồn nước trong nhân dân; kiến nghị chính phủ sớm khắc phục sự chồng chéo về nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước; xem xét và ban hành nghị định của chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên nước và Bộ tài nguyên và môi trường đã trình.
- Ngoài các giải pháp nêu trên, chúng ta cũng cần phải tiến hành tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng các hình thức:
Trao đổi trực tiếp với các địa phương để phổ biến Luật Tài nguyên nước và xem xét tình hình thực hiện. Lấy ý kiến của các địa phương về các nội dung cần quy định trong các văn bản dưới luật.Xây dựng tổ chức thanh tra chuyên ngành để nâng cao vai trò của công tácthanh tra pháp chế, xử lý vi phạm trong việc thực thi pháp luật về tài nguyên nước.
KẾT LUẬN
Từ những năm 80 của thế kỷ XX, thế giới đã ghi nhận nước là tài nguyên thiên nhiên môi trường hàng đầu của nhân loại và là một trong những tài nguyên thiên nhiên cần phải quản lý trong một môi trường bền vững. Không chỉ coi nước là một tài nguyên có giá trị kinh tế như các tài nguyên khoáng sản khác, mà trong sử dụng cần phải coi nước là một hàng hóa, phải làm sao phát huy tối đa giá trị của tài nguyên nước.
Tuy nhiên, việc thực hiện bảo vệ tài nguyên nước ở nước ta còn nhiều khó khăn cần khắc phục, vì vậy nên Đảng và Nhà nước cần có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn nữa vấn đề này, động thời mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức của mình về bảo vệ nguồn tài nguyên quý hiếm này.
|