Tổng số tiết giảng dạy của môn tiếng Anh chuyên ngành bậc Cao đẳng là 45 tiết, bậc Đại học là 60 tiết. Đứng trước thực trạng mỗi một lớp học có từ 60 – 67 sinh viên với 3 – 4 cột điểm kiểm tra và một kỳ thi cuối kỳ, thì đối với giảng viên là một khối lượng công việc không nhỏ; từ khâu ôn tập, soạn đề kiểm tra, tiến hành việc kiểm tra, chấm điểm và sửa bài …
Bên cạnh đó, trong tâm trí tôi lúc nào cũng phải băn khoăn suy nghĩ về việc: “Làm sao để nâng cao việc tự học của sinh viên về mặt chất lượng lẫn thời lượng? Làm sao để sinh viên lĩnh hội kiến thức do mình hướng dẫn một cách tốt nhất, ấn tượng nhất? Làm sao để kiến thức của bài giảng lưu lại trong sinh viên lâu nhất để sinh viên có thể tự tin khi vào phòng thi mà không cần băn khoăn với những tiêu cực trong thi cử? Làm sao để sinh viên phát triển kỹ năng làm việc theo nhóm, hình thành thói quen tự nghiên cứu và tra cứu tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, kỹ năng thuyết trình và sử dụng phần mềm Power Point để thuyết trình trước đám đông?...”
Với những suy nghĩ đó, tôi đã tự hỏi tại sao mình lại không thực hiện việc kết hợp việc kiểm tra đánh giá với việc nâng cao hiệu quả bài giảng, một việc làm mà sẽ đáp ứng được cho mình và sinh viên nhiều mục tiêu cũng như sẽ mang đến cho tất cả chúng ta nhiều hiệu quả thiết thực nhất trong công tác giảng dạy và học tập. Tôi đã thực hiện công việc này từ năm học trước, và đã thu được nhiều kết quả khả quan. Toàn bộ quá trình thực hiện sẽ được tiến hành theo các bước sau đây:
1. Cho sinh viên tự thành lập nhóm từ 5 – 7 sinh viên, như vậy sinh viên sẽ tự thống nhất được thời gian làm việc phù hợp của nhóm.
2. Nêu yêu cầu của công việc và hướng dẫn thực hiện công việc cũng như nêu rõ các tiêu chí đánh giá kết quả.
3. Qui định thời gian thực hiện, lên lịch hướng dẫn và duyệt bài cho các nhóm.
4. Cho từng nhóm tiến hành bốc thăm để chọn ra người sẽ thay mặt nhóm để thuyết trình trước lớp nhằm thể hiện sự công bằng; và đây là cũng chính là yếu tố buộc tất cả các thành viên của nhóm phải làm việc, thực hành và kiểm tra đôn đốc nhau sao cho tất cả mọi thành viên của nhóm đều có thể thay mặt nhóm để báo cáo.
5. Tiến hành báo cáo trước lớp, nhận xét đóng góp và bổ sung ý kiến cho nhau
6. Giảng viên đưa ra phần đánh giá nhận xét.
7. Các nhóm sẽ chỉnh sửa toàn bộ phần báo cáo của mình, chỉnh sửa và hoàn thiện toàn bộ về mặt nội dung lẫn hình thức và nộp bài.
8. Căn cứ vào các tiêu chí đánh giá và bài đã nộp của sinh viên, giảng viên sẽ tiến hành việc chấm điểm và công khai điểm số của các nhóm trước lớp.
Những kết quả đạt được:
1. Thông qua việc học tập và nghiên cứu theo nhóm theo định hướng giảng dạy và học tập tích cực, mỗi một sinh viên đều phải nỗ lực tham gia học tập, hoàn thành công việc được giao, bởi trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cá nhân cũng là quyền lợi của nhóm.
2. Tạo cơ hội cho sinh viên làm quen và sử dụng Power Point để thuyết trình, đồng thời phát huy tính sáng tạo của sinh viên trong quá trình thực hiện bài báo cáo.
3. Qua việc nghiên cứu, sưu tập tài liệu có liên quan, thiết kế bài báo cáo trên Power Point, thực hành báo cáo thử với nhóm và duyệt bài trước báo cáo, hiệu quả của bài giảng sẽ được nâng cao và để lại ấn tượng sâu sắc hơn.
4. Thông qua việc báo cáo tại lớp, có sự theo dõi đánh giá và đóng góp ý kiến của các nhóm, toàn bộ nội dung và hình thức sẽ được hoàn thiện, toàn thể sinh viên sẽ hiểu rõ bài giảng hơn.
5. Sinh viên sẽ tự tin hơn và không phải mất nhiều thời gian ôn tập trước các kỳ kiểm tra và thi cuối kỳ.
6. Tạo môi trường giao lưu và học tập cho sinh viên từ nhiều lớp khác nhau.
7. Giảng viên đã kết hợp được việc dạy, việc học, việc nghiên cứu và việc kiểm tra đánh giá một cách hài hòa và hiệu quả.
8. Thúc đẩy và tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu của sinh viên thông qua hướng dẫn của giảng viên. Tinh thần và thái độ học tập của sinh viên đã chuyển biến theo hướng tích cực.
9. Tránh được sự nhàm chán như cách giảng dạy trước đây, do lớp đông nên giảng viên không thể nào bao quát và quan tâm đến từng sinh viên; đồng thời tránh được những hiện tượng tiêu cực trong việc kiểm tra, đánh giá như xem tài liệu, copy bài của bạn.
Trên đây là một kinh nghiệm nhỏ, mà bản thân tôi đã đúc kết được qua thực tế của việc giảng dạy và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Mong rằng sự chia sẻ của tôi sẽ được các thầy cô có cùng sự quan tâm đóng góp xây dựng, giúp tôi thực hiện nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả hơn nữa!