Biểu trưng
Trường Đại học Xây dựng
Miền Tây |
Đang online:
339
Số lượt truy cập:
17616787
|
Kinh nghiệm từ nhà ở vùng ngập lũ Campuchia
Kinh nghiệm từ nhà ở vùng ngập lũ Campuchia
14:13 - 23/04/2014
KINH NGHIỆM TỪ NHÀ Ở VÙNG NGẬP LŨ CAMPUCHIA
Ngô Hồng Năng
Hình 1: Lũ lụt và nhà vượt lũ ở Campuchia vào năm 2011 [Nguồn:http://www.sabay.com]
|
Nhân chuyến đi thăm Campuchia vào năm 2012, chúng tôi có dịp quan sát và tổng hợp và rút ra một số kinh nghiệm từ nhà ở của người dân vùng ngập lụt Campuchia. Nay nhân dịp nhiều người tham gia cuộc thi thiết kế nhà ở vượt lũ ĐBSCL, xin trân trọng giới thiệu kinh nghiệm đó.
Campuchia là đất nước nằm ở hạ nguồn sông Mê Kông, phía trên ĐBSCL. Hàng năm, lũ lụt thường xuất hiện từ tháng 8 tới tháng 10. Ở đây ngập sâu hơn, kéo dài hơn, thiệt hại nghiệm trọng hơn… ở ĐBSCL, chính vì vậy mà người dân Campuchia đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là làm nhà vượt lũ (Hình 1).
|
Nhà ở nông thôn vùng ngập lũ Campuchia thường là nhà sàn, tuy nhiên có sự khác biệt lớn về cao độ sàn và việc sử dụng không gian bên dưới sàn đó.
Nguyên nhân, thứ nhất là do khả năng dự đoán mức ngập của mỗi gia đình khác nhau, chủ yếu là nhà làm sau rút kinh nghiệm từ nhà làm trước, ở gần đó. Điều này nói lên việc phối hợp của các cơ quan chức năng chưa có; Khả năng dự báo mức ngập chưa chính xác, chưa phổ biến đến tận người dân; Bên cạnh đó, cũng phải kể đến là hệ thống cao trình mang tính quốc gia chưa được triển khai, người dân chỉ biết cao trình vượt lũ dựa trên kinh nghiệm bản thân và các mức ngập do năm trước để lại (Hình 2).
Mặt khác, cao trình sàn nhà chính chống ngập phần lớn lại là do việc sử dụng không gian bên dưới mà kinh tế là yếu tố chi phối, quyết định.
|
Hình 2: Nhà ở cùng một nơi, mứt độ kinh tế tương đối ngang nhau nhưng ngôi nhà bên trái vượt được lũ trong khi những ngôi nhà khác bị ngập [Nguồn:http://www.sabay.com]
|
Hình 3. Khuôn viên một gia đình nông dân Campuchia bao gồm nhà chính, nhà phụ, với cao độ vượt lũ tối thiểu và một không gian có mái che, đa năng, mở, có nền ngay trên mặt đất [Nguồn: Tg]
Hình 4: Nhà sàn với không gian mở đa năng bên dưới sàn [Nguồn: Tg]
|
Thứ nhất, những gia đình có điều kiện kinh tế hạn hẹp, thường làm sàn chỉ vừa đủ cao hơn mức lũ và bên dưới do có độ cao thông thủy không đủ để sử dụng nên đành để trống hay là nơi để đồ vụn vặt hoặc là nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm (Hình 3).
Thứ hai, khi có điều kiện khá hơn, người ta làm sàn cao hơn nhiều mức lũ, cao đủ để làm việc, sinh hoạt. Có nghĩa là không gian đa năng được nói ở trên được đưa vào bên dưới sàn. Tuy nhiên, không gian này chưa được bao che bằng vách, bằng tường (Hình 4).
Ở nhà có sàn cao hơn nữa, người ta che ở những hướng những nơi nắng vào hay mưa tạt bằng vật liệu tạm như lá, vải, bạt… (Hình 5) hay xây tường kiên cố cho những nơi như kho, nhà để xe, cầu thang... bên dưới lát gạch tạo thành không gian mở đa năng, cho dù bị ngập nhưng không ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, thậm chí còn là nơi nô đùa của trẻ em (Hình 6).
Hình 5: Nhà sàn với không gian bên dưới cao như 1 tầng, được che ở những hướng nắng chiếu vào hay mưa tạt bằng vật liệu tạm như lá, vải, bạt… [Nguồn: Tg]
|
Hình 6: Không gian mở đa năng bên dưới sàn cho dù bị ngập nhưng không ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, thậm chí còn là nơi nô đùa của trẻ em
[Nguồn:http://www.healthcambodia.com] |
|
Và cuối cùng, cũng là điểm hoàn thiện của ngôi nhà vùng ngập lũ Campuchia là việc bao che bằng vật liệu kiên cố, thường là xây tường, cho phần không gian bên dưới sàn. Bên trong được ngăn chia, hoàn thiện thành các không gian sinh hoạt như tầng trệt của ngôi nhà hai tầng (Hình 7). Như vậy, ngôi nhà sàn vượt lũ đã biến đổi thành ngôi nhà 2 tầng trên nền đất với bên dưới là vật liệu bao che kiên cố, có thể chịu được nước, trong khi đó bên trên vẫn là các không gian sinh hoạt truyền thống.
Kết luận: Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân vùng ĐBSCL lại thản nhiên “chung sống với lũ” bởi vì ngoài việc lũ đem lại nguồn lợi về thủy sản, phù sa vun bồi cho đồng ruộng mà còn vì lũ rất “hiền”, nếu biết cách, biết sử dụng không gian, sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp… thì có thể sống chung lâu dài với lũ; thông qua việc ngôi nhà sàn ban đầu biến thành ngôi nhà nền đất chúng ta có thể thấy rõ điều đó.
|
Hình 7. Ngôi nhà sàn vượt lũ đã biến đổi thành ngôi nhà 2 tầng trên nền đất với bên dưới là vật liệu bao che kiên cố, có thể chịu được nước [Nguồn: Tg]
|
|
|