VỀ THĂM CHIẾN KHU D
Được sự chấp thuận của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường, theo chương trình hoạt động trong năm của Hội Cựu Chiến binh Trường ĐHXD Miền Tây. Ngày 17 tháng 12 năm 2015, Hội CCB nhà trường kết hợp cùng Khoa Lý luận Chính trị tổ chức chuyến về nguồn tại khu ủy Miền Đông Nam bộ. Chuyến về nguồn kéo dài 2 ngày từ ngày 17 đến ngày 18 tháng 12 năm 2015, ngoài thăm khu ủy Miền Đông Nam bộ, đoàn còn tham quan nhà mày thủy điện Trị An và rừng quốc gia Nam Cát Tiên.
1. Về thăm khu ủy Miền Đông Nam bộ
Khu ủy Miền Đông Nam bộ được hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ từ những năm 1960 – 1967. vùng căn cứ này tọa lạc trên đỉnh đồi đất sỏi được bao bọc bởi rừng cây nguyên sinh rậm rạp, hiện nay thuộc xã Trị An huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai.
Sơ đồ tham quan di tích
Tháng 6/1960, Bộ Chỉ huy lực lượng vũ trang giải phóng miền Đông và Khu ủy miền Đông được chính thức thành lập, đặt cơ quan lãnh đạo, chỉ huy tại ngọn suối Linh (gọi là căn cứ 820) thuộc chiến khu Đ. Khu ủy miền Đông do đồng chí Mai Chí Thọ (Tám Cao) làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến được cử làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lâm Quốc Đăng làm chỉ huy phó.
Căn cứ Khu ủy được cấu thành bởi: Hệ thống giao thông hào có tổng chiều dài 569m, sâu từ 50 đến 60cm, rộng 60cm phân làm ba tuyến (tuyến phòng thủ vòng trong, vòng ngoài và phục vụ cho việc canh gác và chiến đấu. Hệ thống địa đạo liên hoàn theo hướng Đông - Bắc và Tây - Nam có chiều dài trên 260m. Đường đi trong lòng địa đạo có nhiều đoạn gấp khúc, gãy góc, quanh co, có các ngã ba nối thông các đoạn địa đạo với nhau hoặc dẫn lên các miệng địa đạo tại các cửa hầm. Hệ thống miệng địa đạo độc lập chủ yếu dạng hình tròn và chữ nhật, đô sâu từ 3-4m trong các phân đoạn của hệ thống địa đạo. Hệ thống hầm trú ẩn được bố trí đều khắp trên mặt căn cứ, nơi làm việc của lãnh đạo Khu uỷ và các cơ quan trực thuộc gồm: văn phòng, cơ yếu, phục vụ, vệ binh… Hệ thống này được bố trí đến khắp các căn cứ, diện tích từ 20 đến 30m2, chủ yếu được làm bằng cây rừng, mái lợp lá Trung Quân – một loại cây khó bén lửa, cháy chậm. Các nhà đều có hầm trú ẩn, miệng nối với địa đạo, giao thông hào. Ngoài ra, trong Khu căn cứ còn có hệ thống bếp Hoàng Cầm và giếng nước phục vụ cho sinh hoạt. Nằm ở vị trí thuận lợi cả về phòng thủ và tấn công, cách bố trí khoa học, Khu ủy miền Đông Nam bộ là địa bàn đứng chân của Khu ủy, Bộ tư lệnh quân khu trong suốt thời gian từ 1962 - 1967. Từ đây, Khu ủy, Bộ tư lệnh quân khu lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang phối hợp với quân chủ lực miền Nam làm nên những chiến thắng vang dội như: Phước Thành, Hiếu Liêm, Bình Giã, Đồng Xoài, Đất Cuốc, Bàu Sắn... Từng bước làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt ” và ''Chiến tranh cục bộ '' của Mỹ - ngụy, mở rộng và bảo vệ an toàn căn cứ, chuẩn bị mọi mặt cho Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1968.
Một số hình ảnh của đoàn tại chiến khu D
2. Nhà máy thủy điện Trị An
Nhà máy Thủy điện Trị An được xây dựng trên sông Đồng Nai, cách thành phố Hồ Chí Minh 65 km về phía Đông Bắc.
Công trình Thủy điện Trị An đã được bắt đầu từ năm 1985 và kết thúc năm 1991 sau 7 năm xây lắp với một tiến độ rất khẩn trương của các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam.
Công trình Thủy điện Trị An có ý nghĩa kinh tế tổng hợp với hai nhiệm vụ chính:
1/ Sản xuất điện với sản lượng trung bình : 1,7 tỉ kWh/năm
2/ Phục vụ công tác thủy nông cho TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ :
• Duy trì lượng nước xả tối thiểu ( trung bình 200 m3/giây) phục vụ công tác đẩy mặn và tưới tiêu trong mùa khô ở vùng hạ lưu.
• Cắt được đỉnh lũ để đảm bảo an toàn cho hạ lưu trong mùa lũ .
- Công suất thiết kế 400MW ( 4 tổ máy )
- Sản lượng điện trung bình hàng năm : 1,7 tỉ Kw
- Đường điện áp ra: 02 nguồn; 01 nguồn ra điện áp 110KV, 01 nguồn ra điện áp 220KV
Bốn tổ máy phát điện của nhà máy thủy điện Trị An
3. Rừng quốc gia Nam Cát Tiên
Nằm cách Sài Gòn chừng 150km về phía đông, vườn quốc gia Cát Tiên có địa giới thuộc vùng giáp ranh của 3 tỉnh là: tỉnh Đồng Nai, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Phước, được bao quanh bởi song Đồng Nai và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Trong rừng có nhiều loài động vật quý như: nai, lợn rừng, bò tót, nhím, chim công, mèo rừng… và có nhiều loài cây cổ thụ: Cây tung, cây gõ đỏ, cây sao, gõ mật, cây xá xị…Đến đây, mọi người được hưởng không khí trong lành của khu rừng nguyên sinh và được tham quan khu Bàu Sấu (có những chú cá sấu sống tự nhiên trong khu đầm lầy của rừng), thăm Thác Trời. Trong vườn Cát Tiên, du khách có thể tham quan bằng nhiều phương tiện, như đi bằng xe đạp, đi bộ xuyên rừng, tổ chức picnic cắm trại tại khu vực bãi đất trống gần nhà nghỉ, và thú vị nhất là xem thú ăn đêm, đoàn đã được hướng dẫn viên đưa đi xem thú đêm, khoảng gần 7g tối mà đã bắt gặp mấy đàn nai, một đàn lợn rừng và nhiều loại thú ăn lẻ khác, tuy nhiên, theo anh hướng dẫn viên là đoàn chưa gặp bò tót, một loài động vật quý hiếm của rừng được quỹ bảo trợ động vật hoang dã ghi trong sách đỏ quốc tế.
Sau khi tham quan rừng quốc gia Nam Cát Tiên đến trưa ngày 18 đoàn lên xe về Vĩnh Long, có thể nói rằng chuyến về nguồn đã để lại dấu ấn sâu đậm cho thế hệ trẻ chúng tôi về một thời hào hùng của dân tộc, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đã giành và bảo vệ nền độc lập cho nước nhà, rồi đây, trên giảng đường chúng tôi lại có thêm nguồn tư liệu quý giá để truyền tiếp lòng yêu quê hương, yêu tổ quốc cho các học sinh sinh viên thân yêu. Xin thắp nén tâm nhang cảm tạ những người anh hùng đã ngã xuống, cảm ơn những người đã không tiếc một phần máu xương để bảo vệ thành quả của cách mạng. Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi để có được chuyến về nguồn bổ ích này, hy vọng nhà trường hàng năm cũng có những chuyến về nguồn như vậy cho các giảng viên và có thể được thì tổ chức cho các em sinh viên cùng tham gia.