Thông tin Khoa học - Giáo dục
Đang online:
59
Số lượt truy cập:
17937911
|
Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ Xây dựng do Trường Đại học Xây dựng Miền Tây chủ trì thực hiện
Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ Xây dựng do Trường Đại học Xây dựng Miền Tây chủ trì thực hiện
08:55 - 29/11/2021
NGHIỆM THU NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP BỘ XÂY DỰNG
DO TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG MIỀN TÂY CHỦ TRÌ THỰC HIỆN
Ngày 18/11/2021, tại văn phòng Bộ Xây dựng, TP. Hà Nội, Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, triều cường, điều kiện địa chất, môi trường khí hậu tới tuổi thọ công trình tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu trong 05 năm tới” do Trường Đại học Xây dựng Miền Tây chủ trì thực hiện đã được tổ chức với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực xây dựng, địa chất thủy văn, thủy lợi mà nhiệm vụ đang nghiên cứu. Buổi đánh giá nghiệm thu do Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường TS. Lê Minh Long - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu
nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ Xây dựng
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Văn Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, chủ nhiệm nhiệm vụ đã có những chia sẻ về quá trình nghiên cứu, thực hiện đề tài của nhóm tác giả, đồng thời gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Bộ Xây dựng về những quan tâm, chỉ đạo sâu sắc, thiết thực giúp nhóm nghiên cứu Trường Đại học Xây dựng Miền Tây thực hiện đúng tiến độ nhiệm vụ KH&CN thực nghiệm có quy mô lớn này. TS. Nguyễn Văn Xuân cũng ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học góp phần giúp nhóm nghiên cứu hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.
TS. Nguyễn Văn Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐHXDMT, chủ nhiệm nhiệm vụ
phát biểu trước hội đồng đánh giá nghiệm thu
Bảo vệ đề tài trước Hội đồng, thay mặt nhóm nghiên cứu Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, PGS.TS. Trần Văn Tỷ trình bày tóm tắt sự cần thiết phải nghiên cứu đề tài, mục tiêu nghiên cứu, nội dung và kết quả đề tài đạt được cũng như hướng nghiên cứu trong tương lai. Qua đó, nhóm nghiên cứu cho thấy thực trạng hiện nay, điều kiện khí hậu tự nhiên thay đổi, nhiệt độ trái đất tăng, mực nước biển dâng đã và đang tác động xấu đến tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, ở Việt Nam, ĐBSCL là khu vực chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu với tần suất và cường độ xâm nhập mặn, triều cường, lũ lụt, sạt lở, sụt lún... ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bền vững của các công trình xây dựng và đời sống của người dân.
Trên cơ sở đó, đề tài đặt ra mục tiêu đánh giá được hiện trạng xâm nhập mặn, triều cường, sụt lún khu vực ĐBSCL ảnh hưởng đến sự bền vững của công trình xây dựng, những tác động của hệ thống kênh rạch ảnh hưởng tới công trình xây dựng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng.
Để thực hiện đề tài và đạt được những mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu đã áp dụng nhiều phương pháp khoa học khác nhau như điều tra, khảo sát; phân tích, tổng hợp thông tin, số liệu từ báo cáo của các địa phương; phỏng vấn chuyên gia; tiến hành các thí nghiệm thực địa...
Qua quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã đề ra các giải pháp về địa kỹ thuật, vật liệu và cấu kiện mới; giải pháp quy hoạch và thiết kế cho các công trình xây dựng ở ĐBSCL. Nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất những nhiệm vụ cần nghiên cứu, triển khai trong 5 năm tới.
Trước những trình bày của nhóm tác giả và nội dung báo cáo tổng kết nhiệm vụ, Hội đồng đánh giá nghiệm thu Bộ Xây dựng đã đánh giá cao những nỗ lực của Trường Đại học Xây dựng Miền Tây nói chung và nhóm nghiên cứu đề tài nói riêng khi đã dành nhiều thời gian, công sức để thực hiện đề tài có phạm vi nghiên cứu rộng, nhiều nội dung đỏi hỏi nghiên cứu chuyên sâu và khả năng ứng dụng cao cho khu vực ĐBSCL đạt chất lượng và đúng tiến độ.
Các thành viên Hội đồng đánh giá, nghiệm thu Bộ Xây dựng
đóng góp ý kiến cho nhiệm vụ
Hội đồng ghi nhận những đóng góp của đề tài xét về ý nghĩa thực tiễn lẫn khoa học được thể hiện qua báo cáo tổng kết đa dạng thông tin, đảm bảo chất lượng, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, tuổi thọ công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật tại ĐBSCL. Nhóm tác giả cũng đã áp dụng, tuân thủ đúng các quy định hiện hành; giải quyết tốt các mục tiêu đề ra trong đề tài.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng thảo luận, đóng góp một số ý kiến để nhóm nghiên cứu xem xét hoàn thiện đề tài như: nội dung đề cập khá rộng liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Nhóm nghiên cứu nên tập trung vào đối tượng là các công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật để đúng với hướng nghiên cứu và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cần bổ sung phương pháp khoa học tiếp cận và phân tích hệ thống; phân tách, sắp xếp danh mục các sản phẩm đề tài theo đúng đề cương nhiệm vụ đã được phê duyệt.
Kết luận buổi họp, Chủ tịch Hội đồng TS. Lê Minh Long đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng; cập nhật những thông tin, số liệu cần thiết.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Văn Xuân trân trọng gửi lời cảm ơn đến các thành viên hội đồng và xin tiếp thu các ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia để hoàn thiện đề tài trước khi trình báo cáo kết quả tổng kết đến Bộ Xây dựng.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, triều cường, điều kiện địa chất, môi trường khí hậu tới tuổi thọ công trình tại Đồng bằng sông Cửu Long và các đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu trong 5 năm tới, mã số RD 89 -18” với kết quả đạt loại Khá.
Tin, bài: Đinh Thị Lịch
Hình ảnh: Nguyễn Ngọc Long Giang
& nguồn Bộ Xây dựng
|