|
HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 09-11
HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 09-11
20:21 - 31/10/2024
HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP
LUẬT VIỆT NAM 09-11
Ý nghĩa, lịch sử Ngày
Pháp luật Việt Nam
Tháng 6 năm 2012, Quốc
hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 -
Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày
01 tháng 01 năm 2013. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ra đời đã quy định và
khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học
tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật;
trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm
cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tại Điều 8 của Luật quy định: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh
Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ,
công chức, viên chức, Nhân dân và doanh nhân.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 40 quốc gia tổ chức “Ngày Pháp luật”
hay Ngày Hiến pháp như một ngày hội hằng năm để kỷ niệm ngày ký, ngày ban hành
Hiến pháp của nước mình.
Ở nước ta, theo quy định tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật số
14/2012/QH13 ngày 20/6/2012 thì: Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh
Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong
xã hội.
Việc Quốc hội lựa chọn ngày 9/11 là ngày pháp luật vì vào ngày này cách
đây 78 năm, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp
đầu tiên của nước ta – Hiến pháp năm 1946. Đây là một sự kiện chính trị-pháp lý
có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập
hiến của đất nước. Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam
dân chủ cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 4
Hiến pháp (1959, 1980, 1992, 2013), những giá trị dân chủ, quyền con người,
quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân
dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ
xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước
ta.
Chính vì vậy, mục đích, ý nghĩa quan trọng của Ngày Pháp luật là để nhân
dân thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến
pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi con người và trong sự phát triển của quốc
gia, sự hưng thịnh của dân tộc, đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn
pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mọi người dân, của
cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.
Thứ nhất, thượng tôn Hiến pháp
và pháp luật: Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và
pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền,
giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa
đó, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa
các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để tất cả
các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.
Thứ hai, xây dựng niềm tin,
tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật: Pháp
luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo
đảm quyền – lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội.
Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm
tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp
luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.
Thứ ba, đề cao giá trị con
người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ
cương, phép nước: Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người,
xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn
khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa
vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá; bồi dưỡng ý thức
và năng lực phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại
là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn,
nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất
nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ
cương, phép nước.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả
xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu
xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân:
Thứ năm, hướng tới xây dựng nền
văn hóa pháp lý: Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất
cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực
hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con
người, quyền, tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp
luật, cần phải xây dựng lối sống tôn trọng pháp luật. Lối sống theo pháp luật
thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các ứng xử
theo pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; không đơn thuần chỉ là một
hành động nhất thời mà trở thành thói quen. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa
giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp
quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử
sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân
công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua
đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng
cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô
hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng
vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại
đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh.
Trường ĐHXD Miền Tây
hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 2024
Thực hiện Công văn số 5862/BXD-PC ngày
16/10/2024 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024; Công văn số 5154/BGDĐT-PC ngày
06/9/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Hướng dẫn nhiệm vụ năm học
2024-2025 về Công tác pháp chế;
Trường Đại học Xây dựng Miền Tây tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024, với một số nội
dung cụ thể như sau:
Về nội dung:
1. Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó tập trung phổ biến chính sách, pháp luật, hỗ
trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; các luật, pháp lệnh, văn bản
mới được thông qua năm 2023 và năm 2024 có liên quan đến lĩnh vực xây dựng (đặc
biệt là Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đất
đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết); các quy định có liên quan trực
tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh
nghiệp; pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kỷ luật, kỷ
cương hành chính trong thi hành công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính.
2. Tăng cường các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách trong quá
trình xây dựng các dự án Luật, Nghị định có vai trò quan trọng trong việc tạo lập
môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người dân,
doanh nghiệp như: dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; dự án Luật Quản lý
phát triển đô thị, dự án Luật Cấp, thoát nước và các Nghị định như: Nghị định
quy định về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng;
Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng
(thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP); Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về
xây dựng (thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP); Nghị định về quản lý cây xanh,
công viên đô thị (thay thế Nghị định số 64/2010/NĐ-CP).
3. Tiếp tục có các giải pháp đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL; đẩy mạnh
thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL; khai thác triệt để các ứng dụng, phần mềm
có tính năng trực tuyến, tương tác và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội để
thực hiện PBGDPL.
4. Tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực
tiễn thi hành pháp luật; chủ động áp dụng các cách làm hay, sáng tạo, có hiệu
quả và nhân rộng việc thực hiện.
5. Kịp thời thông tin, phản ánh, lan tỏa và tôn vinh gương người tốt việc
tốt, điến hình trong xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
Về hình thức:
1. Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày Pháp luật tại
Trường (chạy khẩu hiệu hưởng ứng, tuyên truyền về Ngày Pháp luật trên các bảng
điện tử của Nhà trường).
2. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, lồng ghép thông qua các buổi họp Đảng
bộ, chi bộ, giao ban, đơn vị.
3. Chuyển các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị, Nghị quyết của cấp
trên đến các phòng, khoa, ban, trung tâm thuộc và trực thuộc Nhà trường.
4. Đăng trên cổng thông tin điện tử của Nhà trường.
Về thời gian: Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật được tổ chức thường xuyên, liên tục
trong cả năm, cao điểm trong tháng 10 và tháng 11/2024.
Tổng hợp: Ban Thanh tra - Pháp chế
|